Công ty hợp danh là gì? Mô hình hoạt động như thế nào? Có nên thành lập công ty hợp danh không? Đây là những câu hỏi thường được những người bắt đầu thành lập doanh nghiệp đặt ra khi lựa chọn loại hình công ty. Cùng Luật ADZ tìm hiểu về công ty hợp danh để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với mô hình hoạt động công ty của bạn nhé!
1. Công ty hợp danh là gì?
Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp được một số nhà đầu tư lựa chọn tuy nhiên không phải ngành nghề nào cũng phù hợp với loại hình này. Luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra định nghĩa Công ty hợp danh là doanh nghiệp phải có chủ sở hữu là hai thành viên trở lên và cùng kinh doanh dưới một tên chung. Các thành viên này được gọi là thành viên hợp danh, phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình. Ngoài ra,loại hình công ty này còn có thể có các thành viên khác góp vốn. Các thành viên này không cần tham gia vào quản lý công ty cũng như không tham gia quản lý các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty. Bên cạnh đó, thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Cũng giống như các loại hình khác, công ty hợp danh cũng có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo quy định của pháp luật thì hình thức công ty này không được quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
2. Cơ cấu tổ chức công ty hợp danh
2.1. Thành viên hợp danh
Công ty hợp danh muốn thành lập cần phải đáp ứng yêu cầu đủ hai cá nhân hợp danh mới được chấp nhận. Pháp luật cũng quy định thành viên của mô hình công ty này phải là cá nhân chứ không được là tổ chức. Xuất phát từ chính nghĩa vụ vô hạn của thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm về quyền tài sản và nghĩa vụ của công ty bằng toàn bộ tài sản nên bắt buộc thành viên hợp danh không được là công ty. Cùng với đó thành viên hộp danh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác nếu không được sự đồng ý của tất cả các thành viên hợp danh còn lại trong công ty.
Các thành viên hợp danh đều là đồng sở hữu công ty nên đều có quyền quyết định ngang nhau trong quá trình quản lý và điều hành công ty mà không tính đến phần vốn góp ít hay nhiều. Các thành viên hợp danh của công ty được quyền trực tiếp tham gia quản lý công ty, có quyền đại diện công ty thực hiện các hoạt động kinh doanh. Đây là một trong những lợi thế giúp công ty hợp danh đạt được sự chủ động hợp tác với các đối tác.
Luật Doanh nghiệp 2014 cũng đưa ra một số trường hợp không được là thành viên của công ty hợp danh tại Khoản 2 Điều 13.
2.2. Thành viên góp vốn
Đối với thành viên góp vốn thì không có yêu cầu cụ thể số lượng thành viên, công ty hợp danh có thể có hoặc không. Việc huy động thêm thành viên góp vốn giúp công ty tháo gỡ được khó khăn tài chính trong quá trình hoạt động.Các thành viên này chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Một lưu ý là thành viên góp vốn sẽ không được quyền tham gia bất cứ hoạt động quản lý hay các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty hợp danh. Họ chỉ được quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại phiên họp Hội đồng thành viên. Tuy nhiên những lá phiếu của họ không có nhiều ảnh hưởng đến nội dung cuộc họp.
3. Cách thức huy động vốn
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, công ty hợp danh không được quyền phát hành bất cứ loại chứng khoán nào để huy động vốn.
Hình thức huy động vốn của loại hình này chỉ có thể là tăng phần vốn góp của các thành viên hoặc tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới hoặc vay vốn.
4. Ưu và nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này
4.1. Ưu điểm
Là loại hình công ty đối nhân, công ty hợp danh kết hợp được uy tín cá nhân của các thành viên hợp danh để tạo dựng hình ảnh cho công ty.
Công ty hợp danh luôn có độ uy tín cao với các đối tác do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh đối với các nghĩa vụ công ty.
Bên cạnh đó, với số lượng thành viên ít và các thành viên thường đều có mối quan hệ quen biết tin tưởng nhau tuyệt đối nên việc quản lý điều hành công ty không quá phức tạp.
Các thành viên góp vốn vào công ty sẽ chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn với công ty hợp danh trong phạm vi số vốn đã góp.
Một trong những lý do các chủ doanh nghiệp lựa chọn loại hình công ty này chính là một số ngành nghề chỉ có thể đăng ký kinh doanh được khi lựa chọn hình thức này. Đây cũng là hình thức ít chịu sự điều chỉnh của pháp luật nhất.
4.2. Nhược điểm
Do các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các hoạt động của công ty nên khả năng gặp rủi ro về vốn trong quá trình hoạt động là rất cao.
Hình thức doanh nghiệp này không được phát hành cổ phiếu hay bất cứ loại chứng khoán nào để huy động vốn cũng là một nhược điểm. Cùng với đó lại hình này cũng không phổ biến trong nền kinh tế thị trường nên sẽ gặp khó khăn trong quá tình phát triển và cạnh tranh.
Trên đây là khái quát những đặc điểm của công ty hợp danh bạn cần lưu ý khi lựa chọn hình thức này để đăng ký thành lập công ty doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại ADZ với mức giá hợp lý mà được tư vấn đầy đủ thủ tục, giấy tờ và không tốn thời gian, chi phí đi lại.