Cổ phần phổ thông là một trong những loại cổ phần phổ biển nhất trong công ty cổ phần. Cá nhân hoặc tổ chức sở hữu cổ phần phổ thông được gọi là cổ đông phổ thông. Khá nhiều người đã nghe tới khái niệm của cổ đông phổ thông này song không phải cũng biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ mà họ cần phải thực hiện. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn luật cho các doanh nghiệp, Luật Adz xin cung cấp những thông tin cần thiết về quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông trong bài viết dưới đây.
Quyền hạn của cổ đông phổ thông
– Những quyền cơ bản của cổ đông phổ thông –
- Họ có quyền tham dự và phát biểu trong các cuộc họp Đại hội cổ đông. Cổ đông này có quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện ủy quyền hay theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông tương ứng với một phiếu biểu quyết.
- Nhận mức cổ tức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
- Nằm trong đối tượng được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán, tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của mỗi thành viên trong công ty.
- Cổ đông phổ thông có quyền được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác hoặc cho cá nhân, tổ chức không phải là cổ đông; trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 Luật Doanh Nghiệp 2014. Các cổ đông này được xem xét, tra cứu, tìm hiểu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết, biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Nếu họ phát hiện ra bất kì sai sót nào có thể yêu cầu sửa đổi bổ sung những thông tin chưa chính xác.
- Khi công ty bị phá sản hoặc tiến hành giải thể thì cổ đông phổ thông được nhận một phần tài sản tương ứng với tỷ lệ cổ phần đang sở hữu.
– Quyền hạn của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông –
Trong trường hợp này, cổ đông hoặc nhóm cổ đông đã sở hữu 10% tổng cổ phần phổ thông liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định trong Điều lệ công ty sẽ có những quyền sau đây:
- Được đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
- Kiểm tra và trích lục sổ biên bản cùng các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính trong khoảng thời gian giữa năm và hàng năm theo đúng mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam, báo cáo của Ban kiểm soát.
- Cổ đông phổ thông có thể yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông khi mà Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông; nghĩa vụ của người quản lý hay ra quyết định vượt quá quyền hạn được giao; nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 6 tháng mà chưa bầu thay thế.
- Không những vậy, họ có quyền yêu cầu Ban kiểm soát xem xét từng vấn đề cụ thể liên quan tới việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi thấy cần thiết.
Yêu cầu này bắt buộc phải bằng văn bản. Nếu là cổ đông cá nhân, văn bản phải có đầy đủ họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng thực cá nhân hợp pháp khác. Với cổ đông là tổ chức, giấy tờ phải đầy đủ tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh. Ngoài ra từng cố đông cần có số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của mình, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông cùng tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề muốn kiểm tra và mục đích kiểm tra.
- Các quyền khác được quy định tại Luật này và Điều lệ của công ty.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại Khoản 2 Điều này sẽ có quyền được triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp cụ thể sau:
- Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền cổ đông, người quản lý vượt quá thẩm quyền được giao.
- Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 6 tháng mà chưa bầu thay thế.
- Trong văn bản yêu cầu triệu tập cần phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng thực cá nhân hợp pháp khác với cổ đông là cá nhân. Còn đối với cổ đông là tổ chức, văn bản phải có tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập công ty, doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính. Bên cạnh đó, các cổ đông hoặc nhóm cổ đông cần nêu rõ số cổ phần và thời điểm đăng ký số cổ phần của công ty; căn cứ và lý do triệu tập Đại hội đồng cổ đông, đi kèm là các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.
– Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định nào khác –
Trong trường hợp này, việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát tại điểm a Khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:
- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông tự nguyện tập hợp thành nhóm đáp ứng các điều kiện về quy định để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, phải thông báo về cuộc họp nhóm cho các cổ đông tới dự, chậm nhất là ngay khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông.
- Căn cứ vào số lượng thành viên của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông phổ thông được quyền đề cử một người hoặc nhiều hơn theo quy định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng viên cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng viên mà cổ đông hoặc nhóm cổ đông đó đề cử mà ít hơn so với số ứng viên mà họ có quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng viên còn lại sẽ do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.
- Các quyền khác được quy định rõ tại Luật này và Điều lệ công ty.
Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông
- Cổ đông phổ thông phải thanh toán đủ và đúng hạn số cổ phần cam kết mua. Những người này không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, ngoại trừ trường hợp đã được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Nếu cổ công rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông cùng người có lợi ích liên đới phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ với tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã rút và các thiệt hại xảy ra.
- Cổ đông phải tuân thủ Điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của công ty.
- Nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
- Có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Trên đây là những thông tin cơ bản về Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông tại các công ty cổ phần. Để tránh các rủi ro về mặt pháp lý, liên hệ ngay tới Luật Adz – nơi chuyên cung cấp dịch vụ doanh nghiệp uy tín hàng đầu tại Việt Nam.