Thương hiệu và nhãn hiệu là thuật ngữ thường xuyên được sử dụng trong đời sống, kinh doanh và các văn bản pháp lý. Tuy nhiên việc nhiều chủ thể sử dụng lẫn lộn gây nhầm lẫn cũng như khó khăn trong việc đăng ký bảo hộ và bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu của mình.
Thương hiệu và nhãn hiệu
Về cơ bản định nghĩa thương hiệu và nhãn hiệu đã có sự khác nhau.
Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thương hiệu là dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ nào đó của một cá nhân, tổ chức.
Còn nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cá nhân, tổ chức cơ sở kinh doanh khác nhau trên thị trường.
Có thể lấy một ví dụ đơn giản: thương hiệu Unilever có các nhãn hiệu Sunlight, Cif, Comfort, Omo,… Hay thương hiệu Pepsi có nhãn hiệu Lipton teas, Quaker Oats, 7 Up,…
Như vậy, nhãn hiệu chỉ là một phần cấu thành nên thương hiệu. Nhãn hiệu được coi là dấu hiệu để phân biệt loại sản phẩm, hàng hóa này với sản phẩm, hàng hóa khác của một thương hiệu.
Khi nói đến thương hiệu người tiêu dùng sẽ hình tượng về hàng hóa trong tâm trí. Khi nhắc đến điện thoại Nokia, mọi người sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm điện thoại “cục gạch” siêu bền. Còn khi nhắc đến điện thoại Iphone người tiêu dùng lại hình dung ra chiếc điện thoại “sang chảnh” với hình quả táo cắn dở. Trong khi đó, nhãn hiệu là những từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng giúp khách hàng nhận diện từng loại sản phẩm, hàng hóa.
Sự khác nhau giữa thương hiệu và nhãn hiệu
Tính hữu hình
Yếu tố đầu tiên để phân biệt sự khác nhau giữa thương hiệu và nhãn hiệu chính là tính hữu hình. Nhãn hiệu là những dấu hiệu bằng từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, màu sắc,… hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó, có thể nhận biết được bằng các giác quan, thường là thị giác.
Trong khi đó thương hiệu lại không hữu hình và dễ dàng nhận biết như nhãn hiệu. Khi nhắc đến thương hiệu người ta sẽ liên tưởng đến nhiều yếu tố tạo nên danh tiếng cho sản phẩm như kiểu dáng, giá cả, chất lượng sản phẩm, định hình nhãn hiệu của sản phẩm, thái độ phục vụ của nhân viên cũng như cảm nhận của khách hàng.
Cách tiếp cận và bảo hộ
Trong quy định của pháp luật thì nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Nhãn hiệu sẽ được pháp luật bảo hộ sau khi thông qua thủ tục đăng ký, trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng.
Thương hiệu lại không phải là đối tượng điều chỉnh của pháp luật và không được pháp luật bảo hộ. Một thương hiệu được tạo nên không phải do người tạo ra sản phẩm, không phải do cơ quan nhà nước mà chính là người tiêu dùng qua quá trình sử dụng và đánh giá những tính chất sản phẩm. Thái độ và cảm nhận của mộ lượng lớn người tiêu dùng về cùng một tiêu chí sẽ tạo nên thương hiệu cho sản phẩm đó.
Giá trị
Giá trị chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của thương hiệu và nhãn hiệu. Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký, nhãn hiệu trở thành tài sản của doanh nghiệp và có thể được định giá. Trong khi đó thương hiệu thì không thể định giá một cách dễ dàng bởi đó là thành quả của cả một quá trình khách hàng sử dụng và đánh giá. Người ta có thể dễ dàng bắt chước một nhãn hiệu nổi tiếng để gắn lên sản phẩm của mình nhưng lại không thể làm giả được thương hiệu bởi đó là cảm nhận của mỗi người tiêu dùng.
Sự hình thành
Chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thì một dấu hiệu nào đó phù hợp sẽ trở thành nhãn hiệu. Còn thương hiệu cần phải tạo dựng mất rất nhiều thời gian, tiền của và công sức. Mục tiêu hoạt động của các doanh nghiệp chính là tạo dựng nên thương hiệu trên thị trường.
Tính bền lâu
Nhãn hiệu và thương hiệu còn khác nhau ở sự lâu bền. Nhãn hiệu có thể thay đổi và không còn tồn tại nữa do thị hiếu của người tiêu dùng hoặc ý chí của doanh nghiệp. Khi sản phẩm trên thị trường không còn tồn tại thì đương nhiên nhãn hiệu cũng chấm dứt.
Còn đối với thương hiệu thì có thể tồn tại mãi mãi kể cả khi sản phẩm mang một nhãn hiệu không còn tồn tại. Bởi một công ty trở thành một thương hiệu thì không phải do một sản phẩm mà do đánh giá của người tiêu dùng. Khi nào thương hiệu vẫn còn nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng thì thương hiệu đó vẫn còn tồn tại.
Như vậy, nhãn hiệu chính là phần xác còn thương hiệu chính là phần hồn của một sản phẩm. Khi lựa chọn một sản phẩm, dịch vụ nào đó người tiêu dùng không dựa vào hình dáng bên ngoài mà sẽ phân biệt thông qua nhãn hiệu. Chính nhãn hiệu tạo nên sự khác biệt và lưu giữ hình ảnh của một thương hiệu. Đồng thời nhãn hiệu cũng là đối tượng dễ bị làm giả, làm nhái để cạnh tranh trên thị trường. Do đó, để bảo vệ thương hiệu và chống sự cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp cần đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ mình cung ứng.