Khi thành lập công ty, ngoài đảm bảo đầy đủ và chính xác các thủ tục pháp lý, doanh nghiệp còn phải chọn được nơi đặt trụ sở chính phù hợp cả về mặt pháp luật và đáp ứng nhu cầu sử dụng của mình. Tuy nhiên, trụ sở chính của công ty không phải muốn đặt ở đâu cũng được mà còn phải đúng với quy định của Nhà nước. Trong bài viết dưới đây, Luật ADZ sẽ tóm gọn những lưu ý cần thiết trong việc chọn trụ sở chính của công ty để các bạn sẽ gặp gián đoạn trong quá trình thành lập công ty.
Trụ sở chính của công ty phải có địa chỉ cụ thể
Pháp luật đã quy định: địa chỉ trụ sở chính của công ty phải chính xác, rõ ràng và thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.
Tại Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2014 nêu rõ: trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, phải có địa chỉ được xác định bao gồm: số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, trị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Mọi công văn trao đổi giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đều gửi trực tiếp về trụ sở chính. Cho nên, doanh nghiệp cần phải đảm bảo địa chỉ đăng ký trụ sở chính rõ ràng, chính xác để không bị thất lạc các giấy tờ quan trọng, ảnh hưởng không tốt đến việc liên lạc với cơ quan chức năng.
Trong trường hợp nơi đặt trụ sở chính chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì doanh nghiệp cần xin xác nhận của địa phương là chưa có số nhà, tên đường nộp kèm hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Trụ sở chính không được đặt tại chung cư hoặc nhà tập thể
Nhà chung cư hoặc nhà tập thể là nhà có từ 2 tầng trở lên và có nhiều căn hộ, có lối đi chung, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân.
Nhà chung cư được chia thành hai loại phụ thuộc vào mục đích sử dụng đó là để ở hoặc hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Tại khoản 11 Điều 6 Luật nhà ở 2014 đã quy định: nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở và sử dụng phần diện tích được phép kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ,…
Như vậy, pháp luật không cho phép đặt trụ sở chính của công ty tại chung cư. Nếu cố tình vi phạm, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra, không phát hành được hóa đơn, chi phí thuê không được khấu trừ.
Theo đó, những hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh cho phép sử dụng trụ sở để kinh doanh trước 25/11/2014, bắt buộc phải chuyển hoạt động kinh doanh tới địa điểm khác. Ngoài ra, mọi người cần thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh theo thủ tục tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Trụ sở chính phải đáp ứng điều kiện kinh doanh
Nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện, pháp luật đòi hỏi phải có giấy phép con trước khi doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, trụ sở chính phải đáp ứng đầy đủ điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh.
Ví dụ:
- Cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có đủ diện tích để bố trí các khu bày bán thực phẩm riêng biệt, khu chứa đựng, bảo quản và phương tiện chuyên biệt để vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm.
- Khi kinh doanh nhóm ngành nghề sản xuất, chế biến, nuôi trồng,… doanh nghiệp không được phép đặt trụ sở chính tại khu dân cư, trung tâm thành phố mà chỉ được đặt ở các vùng lân cận, xa khu dân cư,…
Mong rằng sau khi đọc xong bài viết của chúng tôi, các bạn sẽ chọn được trụ sở chính phù hợp với doanh nghiệp của mình. Mọi thắc mắc về các thủ tục pháp lý thành lập công ty, bạn hãy liên hệ ngay tới Luật ADZ để được giải đáp và tư vấn hoàn toàn miễn phí.