Cách phân biệt hàng giả hàng nhái và quyền lợi của người tiêu dùng

Bắt đầu từ đầu tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định “Cách ly toàn xã hội” để phòng chống đại dịch Covid-19 đang có diễn biến ngày càng phức tạp. Điều này cũng có nghĩa là người dân nên hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết. Vì vậy, rất nhiều người lựa chọn giải pháp mua hàng online. Theo thống kê thực tế, tỷ lệ mua hàng qua internet trong những ngày gần đây đã tăng vọt so với ngày thường. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh uy tín cũng có không ít người trục lợi trong khoảng thời gian này, đặc biệt họ đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.

Vậy làm thế nào để có thể phân biệt hàng giả hàng nhái nhanh nhất? Và cách giải quyết vấn đề này là gì? Luật ADZ sẽ tổng hợp tất cả thắc mắc của các bạn trong bài viết dưới đây.

Thực trạng hàng giả hàng nhái trong mùa dịch Covid-19

Thực trạng hàng giả hàng thật hiện nay

Lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân cả nước trước tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã bất chấp làm giả các nhu yếu phẩm, thiết bị y tế đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường. Đặc biệt, khẩu trang y tế và nước rửa tay, cồn sát khuẩn hiện đang là những sản phẩm “cháy hàng”, cũng như bị làm giả nhiều nhất.

Chúng ta không khó để bắt gặp những trường hợp đã bị các cán bộ của Cục quản lý thị trường xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm. Ví dụ: ngày 13/2/2020, đoàn kiểm tra của Cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp các lực lượng chức năng tiến hàng kiểm tra và lập biên bản với xưởng sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Việt Hàn. Bởi các cơ quan quản lý đã phát hiện số khẩu trang được gắn mác khẩu trang y tế kháng khuẩn 3 lớp nhưng lõi chỉ là giấy vệ sinh thông thường. Hay rất nhiều cơ sở khác đã pha chế nước sát khuẩn, nước rửa tay khô từ cồn 90 độ theo công thức trên mạng, sau đó đóng chai dán mác và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Có thể nói, tình trạng hàng giả hàng nhái hiện nay trong mùa dịch bệnh đang diễn ra cực kỳ nghiêm trọng. Đặc biệt, những sản phẩm y tế ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, mà nếu sử dụng hàng kém chất lượng sẽ có hậu quả khôn lường. Cho nên, mọi người cần nắm rõ những phương pháp phân biệt hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân.

Cách phân biệt hàng giả hàng nhái

Phân biệt bằng công nghệ mã số mã vạch

Hướng dẫn phân biệt qua mã số mã vạch

Tất cả các loại hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường cần phải có mã số mã vạch. Vì vậy, mã vạch được xem như là “chứng minh nhân dân” của hàng hóa, giúp người tiêu dùng phân biệt nhanh chóng và chính xác giữa các loại hàng hóa khác nhau.

Hơn thế nữa, mã số mã vạch không phải do doanh nghiệp có thể tự tạo ra được mà cần phải đăng ký với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (GSI Việt Nam). Chất lượng mã vạch tốt tức là mã vạch đó được in rõ ràng trên bao bì, dễ nhận biết, đọc nhanh. Hiện nay, có rất nhiều loại mã số mã vạch được sử dụng để in trên hàng hóa, song phổ biến nhất là Barcode EAN 13 và mã QR.

>>Xem thêm: Hướng dẫn kiểm trả mã số mã vạch sản phẩm

Với EAN 13, ta có thể phân biệt khá đơn giản là “chẵn nhân ba cộng lẻ”, sau đó ta cộng với số cuối cùng, nếu tổng số có đuôi là “0” thì đó là hàng thật, còn nếu khác “0” thì là hàng giả.

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại thì việc kiểm tra sản phẩm chính hãng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều thông qua Smartphone. Người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng kiểm tra hàng thật – hàng giả là có thể kiểm tra ngay thông tin về sản phẩm. Nếu như là sản phẩm chính hãng thì khi kiểm tra, ta sẽ thấy đầy đủ thông tin của sản phẩm và nhà sản xuất. Còn là hàng giả thì sẽ không check được thông tin gì hoặc sẽ nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

Để ý kỹ vỏ hộp và bao bì sản phẩm

Bằng việc áp dụng những kỹ thuật đời cao mà hàng giả hàng nhái hiện nay được làm rất tinh vi. Dù vậy, bao bì bên ngoài lại thường không được chú trọng như các sản phẩm chính hãng.

Cho nên, nếu chú ý thì người dùng dễ dàng nhận thấy bao bì hàng chính hãng được làm rất tỉ mỉ, vỏ hộp chắc chắn, kèm theo đó là đường mép sắc nét, không bị rách hay méo mó. Đồng thời, đường viền nối của góc bao bì sản phẩm được chú trọng, làm rất chỉn chu, đặc biệt là phần chữ được in rõ ràng, đều mực.

Ngược lại, phần bao bì của hàng giả hàng nhái lại khá ọp ẹp, méo mó, chữ mờ nhạt, không đều. Thậm chí, một số sản phẩm còn bị mất tem, nhãn mác. Đây chính là lý do mà người tiêu dùng nên chú ý tới bao bì nhất đầu tiên.

Tem chống hàng giả

Đối với những mặt hàng được nhà sản xuất thông báo trên cổng thông tin của họ là sản phẩm sử dụng tem chống hàng giả, thì người dùng phải tìm đúng sản phẩm có dán tem này. Sau đó, mọi người kiểm tra theo đúng hướng dẫn, bởi tem chống hàng giả sẽ đảm bảo bạn mua đúng hàng chính hãng bên cạnh mã số mã vạch hoặc mã QR.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần chú ý chọn mua hàng tại các cửa hàng lớn, uy tín và chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm mình bán. Bạn cũng lưu ý không nên vì những lời mời chào, chèo kéo mà mua những sản phẩm giá quá rẻ, bởi “giá tiền đi đôi với chất lượng”. Nếu như bạn ham rẻ thì rất có thể sẽ trở thành nạn nhân của hàng giải hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí tiếp tay cho những doanh nghiệp bất lương.

Người tiêu dùng cần phải làm gì sau khi mua phải hàng giả hàng nhái?

Người dùng cần làm gì khi mua phải hàng giả

Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nếu như cố tình vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ mà tổ chức, cá nhân vi phạm bị khiếu nại, tố cáo, bị khởi kiện, bị xử phạt hành chính, nghiêm trọng hơn sẽ phải nhận truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi mua nhầm phải hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan (lịch sử giao dịch, phiếu nhận hàng…) và liên hệ lại với người đã bán hàng cho mình yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả lại tiền hay bồi thường cho mình. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng có thể làm đơn tố cáo kèm theo các chứng cứ liên quan đến hàng hóa đó cho cơ quan Quản lý thị trường hoặc cơ quan công an gần nhất để yêu cầu xử lý.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể đến các Hội bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, khiếu nại tại Sở Công Thương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để được nhận tư vấn và xem xét giải quyết, thậm chí có thể khởi kiện ra tòa. Trọng tài thương mại sẽ xử lý các vấn đề giữa bên khiếu nại và bên bị khiếu nại.

Tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định rõ người tiêu dùng có các quyền sau:

  • Được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng giá cả. Đồng thời, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của mình.
  • Được cung cấp đầy đủ thông tin chính xác về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
  • Được biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
  • Được cung cấp các hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa.
  • Được quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu và điều kiện thực tế của mình.

Tóm lại, nếu như người tiêu dùng mua phải hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả hàng nhái. Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cũng cần trở nên thông thái, thận trọng trong việc lựa chọn các loại hàng hóa, sản phẩm mà mình cần mua. Tốt nhất là nên tìm kiếm địa chỉ mua hàng đáng tin cậy, uy tín.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0936069111